Uống trà là cái thú thứ nhất đối với nhiều người: “Một trà, một rượu, một đàn bà / Ba cái lăng nhăng nó quấy ta” (Trần Tế Xương). Nâng chén trà lên miệng, ít ai uống vội vàng, uống một hơi một mạch. Như người đi xa xôi nắng rát mùa hè, uống nước bên vò nước lã ở miền quê. Thông thường, uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà. Và uống trà cũng như uống rượu, có người uống một mình độc ẩm hoặc hai ba bốn người, gọi là đối ẩm, song ẩm, tam tứ ẩm và…nhiều quá gọi là quần ẩm! Thật ra việc uống trà “vị nghệ thuật” như thế, cho nên nhiều cách hái trà, ướp trà, pha trà và uống trà là một pho sách thêu dệt nên bao giai thoại quanh trà đầy thú vị. Từ xưa và đến ngày nay con người quan tâm chăm chút đến loại thức uống của trời đất và độc chiếm riêng cho mình. Vậy bên cạnh trà còn có loại nào sánh ngang bằng với nó. Thưa, có đấy! Đó là cà phê.
Cảm giác thú vị khi ngồi cùng với vài người bạn thân bên ly cà phê bốc khói và thơm ngon vào những buổi sáng mùa đông se lạnh. Hương thơm, vị đắng và sự ấm áp của cà phê nó đưa đến cảm giác thư thái từ đầu lưỡi cho đến toàn thân. Nhấm nháp từng hớp cà phê, đọc những mẫu tin báo mới vào đầu buổi sáng sớm mỗi ngày, rồi hối hả đi làm là thói quen của nhiều người, đủ nhiều tầng lớp của xã hội hiện đại hôm nay. Đối với một số bạn trẻ, đến quán cà phê nhìn từng giọt cà phê rơi tí tách lắng nghe tiếng nhạc dập dìu cũng đã thấy ngày mới đầy tươi đẹp rồi. Vậy có thể nói không ngoa rằng cà phê là thứ thức uống không thể thiếu trong thời đại internet ngày nay, nó thích hợp cho mọi giai tầng, giới tính, lứa tuổi. Dù bạn có đi bất cứ nơi nào, len lõi vùng quê xa tít, ngõ phố hẹp liêu xiêu, vùng đô thị nhộn nhịp ồn ào hối hả…từ các đô thị lớn Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng…thậm chí bạn đi khắp phương trời trên trái đất này từ Paris hoa lệ, Moscow lạnh giá mùa đông, Washington ồn ào hối hả và Băng Cốc nóng nực chói chang mùa hè…thì đâu đâu bạn cũng thấy người ta uống cà phê đủ mọi cách, mọi kiểu. Bây giờ ta có thể kết luận được rồi cà phê là thứ nước uống thời thượng của con người trên trái đất này.
Giờ đây ta cũng cần biết một ít kiến thức vòng quanh thế giới về cây cà phê qua các tài liệu. Nhiều học giả vẫn quả quyết đất nước Ethiopia tận bên châu Phi và tỉnh Kaffar của đất nước này là vùng đất trồng cà phê đầu tiên trên thế giới, từ thế kỷ IX. Đến thế kỷ XIV những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang vùng Ả Rập, nhưng mãi đến thế kỷ XV thì người ta mới biết rang hạt cà phê và sử dụng nó làm đồ uống. Người Ethiopia có cách thức pha chế cà phê bằng cách cho hạt cà phê vào chảo lớn và rang lên, sau đó nghiền vụn bằng cách đập nát, hoặc giã vào cối như người Ê đê của chúng ta giã lúa rồi đem nấu với nước, trộn một ít đường và nấu cho sôi, rồi đổ ra bát để thưởng thức. Với mùi cà phê bốc lên thơm phức. Thời ấy cà phê không xay mịn như bây giờ và không biết lọc cho nên một phần xác hạt cà phê vẫn lắng đọng dưới đáy ly, đáy bát. Đó là phương pháp pha chế và uống cà phê cổ xưa nhất mà ta được biết.
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp chiếm hoàn toàn Việt Nam làm thuộc địa và thiết lập ở đây, tại những cao nguyên rộng lớn và vùng miền Đông Nam bộ đất đỏ bazan, lập nên những đồn điền trồng các loại cây mà sau này người ta gọi là cây công nghiệp: nhiều nhất là cây cao su đưa vào Đông Dương và được trồng tại miền Nam nước ta từ năm 1879, rồi cây cà phê ở miền Bắc năm 1888 và vươn xa lên vùng cao nguyên sau này, cùng với cây chè. Từ đó đã hình thành lên một nền công nghiệp chế biến thực thụ. Với việc xây cất những nhà máy chế biến hiện đại trên toàn cõi Đông Dương bấy giờ. Chính phủ bảo hộ đã lập ra đồn điền cà phê đầu tiên ở Kẻ Sở Bắc Kỳ (Tonkin) với giống được trồng là cà phê Arabica (cà phê chè) làm nên hiệu Arabica du Tonkin và đem xuất khẩu về mẫu quốc. Giống Arabica lúc bấy giờ cho chất lượng và năng suất thấp, nên sau đó được trồng thêm giống Robusta (cà phê vối) và giống Mitcharichaia (cà phê mít) trồng từ năm 1908. Rồi từ đây đồn điền cà phê được khai khẩn nhiều nơi phía Bắc, mãi đến năm 1925 mới được trồng ở vùng cao nguyên Ban Mê Thuộc, KonTum, Đà Lạt. Thuở đó uống cà phê là một cái thú của các quan lại thuộc địa. Người Việt ta chỉ lo làm công chăm sóc và hái trái thu hoạch, người Pháp sơ chế tại chỗ và xuất khẩu về chính quốc.
Như thế có thể khẳng định được rằng cà phê đã theo chân phương Tây du nhập vào nước ta, và từ đó được đông đảo mọi người chấp nhận, từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam. Rồi hình thành nên nhiều cách pha chế cà phê khác nhau, tựu trung chỉ có bốn cách: cà phê kho, cà phê vợt (đảy), cà phê tan nhanh và cà phê phin (Filter).
Sau rượu, trà thì cà phê là nghệ thuật uống thứ ba mà nhân loại phát minh ra cho mình. Uống rượu đã hình thành nên những nhân vật Đông Tây như trong thần thoại Hi Lạp với các vị thần trên đỉnh núi Olympia mà tác phẩm Homère đã kể và thi thánh như Lý Bạch … và uống trà cũng thêu dệt nên nhiều huyền thoại như Càn Long, như Từ Hy thái hậu thời cận đại và…Thì trong nghệ thuật uống cà phê, mặc dầu chưa nâng lên hàng “ ẩm đạo”. Thì các vĩ nhân cũng để lại nhiều giai thoại kể rằng: Nhà văn Honoré de Balzac, một trong những tác giả nỗi tiếng người viết chuyên cần và viết được nhiều tác phẩm trong lịch sử văn học Pháp. Hễ khi ngồi vào bàn viết, thì ông lớn tiếng gọi người giúp việc: “Mang cà phê vào đây, thật đậm và nóng !”. Rồi trong thế kỉ ánh sáng của Châu Âu, Voltaire cũng phải uống cà phê hàng ngày trước khi viết, ngược lại thì nhà văn và triết gia J.Rousseau lại không thể chịu đựng nỗi một giọt cà phê. Và trong thế kỷ XX, nghe nói nhà tư tưởng hiện sinh nổi tiếng Jean Paul Sartre đã viết nhiều tác phẩm triết học cũng nhờ uống cà phê, bằng chứng là rất nhiều trang viết bản thảo của ông còn lưu giữ tại thư viện Quốc gia Pháp. Là những tờ giấy in ra sẵn thương hiệu của quán cà phê danh tiếng La Couple trên đại lộ Montparnass ở Paris.
Nếu trong nhạc phẩm “Phố núi cao” của nhạc sĩ Phạm Duy nói về Pleiku thuở ấy “đi dăm phút đã về chốn cũ…” thì hẳn Tuy Hòa trước 1975 vẫn còn leo teo, thưa thớt lắm, trung tâm chính của phố thị là khu vực ngã 5 phường I, nơi giao nhau của những con đường chính : Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, và Nguyễn Công Trứ, trên các trục đường này nổi trội và nhộn nhịp vẫn là đường Trần Hưng Đạo chạy theo hướng Đông Tây, mà mỗi ai có dịp đến Tuy Hòa đều lấy con đường này làm chuẩn để định vị cho mình biết được các khu vực khác của phố thị. Xuôi theo hướng biển đến ngã tư gặp đường Bùi Nguyên Ngãi là khu vực chợ Tuy Hòa. Trung tâm trao đổi hàng hóa hàng đầu xứ nẫu thời nay. Trước giải phóng năm 1975, phố thị Tuy Hòa thưa thớt dân cư, chỉ tập trung nhộn nhịp vào hai khu vực là Ngã 5 và khu vực chợ Tuy Hòa. Thời ấy chia ra các khu hành chính gọi là Ấp gồm có: ấp Bình Nhạn, ấp Bình An, ấp Bình Hòa, ấp Bình Mỹ, ấp Bình Lợi và ấp Bình Tịnh . Tương đương với cấp phường xã hiện nay. Khu vực chợ Tuy Hòa nhộn nhịp mua bán, khu vực chợ tọa lạc trên ấp Bình Thủy (hiện nay là phường 4) vuông vắn là bốn đường nhộn nhịp thời đó là phía cổng chính chợ Trần Hưng Đạo, Võ Tánh (bây giờ là Lương Văn Chánh) và Bùi Nguyên Ngãi (đường này sau năm 1975 đổi tên hai lần là Lương Tấn Thịnh rồi Nguyễn Trãi bây giờ) chính giữa là đường Ngô Quyền và bến xe cũng là nơi họp chợ đông đảo, nơi cung cấp các loại rau tươi từ làng Ngọc Lãng bên kia sông đưa qua chợ chủ yếu là nhờ hai bến đò ngang ở bến Sạn và khu vực chùa Ông là chính. Ngoài ra các nơi khác từ vùng quê đưa hàng hóa nông sản, thực phẩm gia cầm đến chợ chính là phương tiện xe lam ( lambretta ) và xe ngựa. Cho nên bến xe chợ Tuy Hòa thời đó ta thấy ngựa rất nhiều, và mỗi buổi sáng sớm xa xa có thể nghe được tiếng ngựa hí rất rõ. Một số nơi xa xôi ở các quận và tỉnh lân cận, chuyên chở hành khách và hàng hóa từ Tuy Hòa đi và đến thời này chỉ chủ yếu bằng phương tiện gọi là xe đò, gồm các loại xe Renault, Chevollet và Desoto nếu vận tải hàng hóa xa xôi hơn nữa lúc đó một loại xe chuyên chở gọi là balua…
Khái quát Tuy Hòa thời gian trên cho chúng ta một cái nhìn về Tuy Hòa về lúc đó, để rồi nói về cà phê Tuy Hòa là đề tài chính của bài viết. Thời gian này quân đội Mĩ đã có mặt khắp miền Nam Việt Nam, và Tuy Hòa cũng được quân đội Mĩ ào ạt xây dựng nhiều căn cứ nhằm phục vụ cho chiến tranh lâu dài tại đây, như sân bay Đông Tác và sân bay Tuy Hòa (hiện nay là bến xe liên tỉnh đến nhà máy bia). Rồi văn hóa Mĩ cũng tác động một phần không nhỏ đến đời sống người dân phố thị, lúc này quán xá mọc lên để đáp ứng người Mĩ và binh lính chế độ ở Sài Gòn nơi đây, rất sớm là hai quán Bar Thanh Đạm ở chợ (trên nền bưu điện Phú Yên) và Bar Thanh Hải (góc đường Lương Văn Chánh và Trần Hưng Đạo). Giai đoạn này các quán cóc vỉa hè đã mở ra phục vụ người lao động, cách pha chế chủ yếu là cà phê kho và cà phê vợt, các quán mở bài bản và sang trọng và hình thành nên cà phê Tuy Hòa lúc này là quán : Vị Thủy, quán Nhớ ở ga và sau đó là Thạch Thảo, Mây Tím, Khơi Nguồn và quán Phượng khu công chức cũ.
Quán Nhớ được mở ra rất sớm ở phố thị này, nghe đâu có nhà văn Duyên Anh đã từng một lần đặt chân đến uống cà phê quán này. Duyên Anh tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết được đọc và bán chạy nhất thời đó, có nhiều tiểu thuyết được dựng thành phim, từng để lại dấu ấn sâu xa trong khán giả và giới trẻ sinh viên học sinh lúc đó như “Điệu ru nước mắt“, “Ngựa chứng trên sân trường“ và “Vết thù trên lưng ngựa hoang“… thật ra quán Nhớ lúc này không lớn lắm, nhưng nơi đây đặc biệt cà phê rất ngon và bên cạnh ấy còn có hai cô chủ quán xinh đẹp duyên dáng để kiểu tóc dài như lời nhạc của Trịnh Công Sơn.
Quán Khơi Nguồn ở đường Nguyễn Công Trứ khu vực rạp Đại Nam, là quán pha cà phê rất ngon trong thập niên 70-80. Quán này luôn đông khách kể cả mùa mưa tầm tả của Tuy Hoà thuở ấy, đặc biệt nơi đây luôn du dương một thể nhạc sang trọng và êm dịu của giai điệu nhạc Pháp Selection phát ra bởi giàn máy AKAI hiện đại nhất thời ấy. Nhưng ấn tượng hơn cho dân uống cà phê, là nụ cười mê hồn của cô két xê (thời ấy mỗi quán thuê một nữ đứng bán gọi là két xê) tên H.A rất xinh đẹp. Rất tiếc quán phải nghỉ hẳn sau một cơn bạo bệnh của ngưởi chủ, để lại một nổi nhớ bâng khuân cho một lớp khách si tình thuở ấy.
Nhắc đến quán Phượng, sẽ gợi nhớ cho nhiều người đã từng cắp sách đến trường Nguyễn Huệ trên con đường Hoàng Diệu. Ngày ấy, dù lứa tuổi nào và ở 2 giai đoạn lịch sử của đất nước trước và sau năm 1975. Tuổi học sinh vô tư lự, ngây thơ và hồn nhiên, tâm hồn trong trắng không nhuốm bụi đời. Mỗi người đều trãi qua thời học sinh vui tươi mỗi khi nhắc đến khiến lòng ta bâng khuân hoài niệm, cũng chính trong tuổi học sinh ấy tuổi mới lớn, tuổi mộng mơ nhất, ai cũng một lần vào nhâm nhi cà phê quán Phượng, tập tểnh đầu đời bằng ly cà phê đắng, bằng những điếu thuốc vụng về hơi khói để mơ mộng, để cảm nhận và phảng phất vương vấn đâu đó nét nhạc u hoài Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy. Có thể nói quán Phượng gắn liền với lứa tuổi học sinh trường Nguyễn Huệ , các vị khách ngày ấy giờ đây có thể tóc đã nhuốm đầy muối tiêu màu của thời gian. Rất tiếc đến nay không còn dấu tích của quán nữa.
Cà phê Tuy Hòa có nét cũng lạ, nên biết rằng Tuy Hòa không phải là xứ sở cà phê như Ban Mê Thuộc, Lâm Đồng hay các tỉnh Cao Nguyên. Cũng không phải là nơi xuất xứ cà phê đầu tiên của Việt Nam, nếu bạn có vào thư viện lục hàng đống thư tịch sách vở, hoặc bạn đã đọc quyển “Non nước Phú Yên“ là quyển sách viết về Phú Yên hay nhất của Nguyễn Đình Tư trong thập niên 60 thì hoàn toàn không có một chữ nhắc đến cà phê Tuy Hòa. Nhưng cà phê Tuy Hòa có thể nói thuộc lại ngon nhất nước hiện nay, vậy bí quyết nằm ở đâu? là do cách pha chế đó bạn ạ! cách chế biến “độc nhất vô nhị“ với bí quyết trộn nước mắm nhỉ vào cà phê và tỉ lệ pha thêm 10% bắp rang lấy độ keo và còn lại 90% là cà phê nguyên chất. Ai cũng biết, mỗi giống cà phê đều có chất lượng khác nhau, cho nên cách chế biến riêng biệt phải có cách rang, cách trộn gia vị khác nhau và rất nhiều loại phụ gia để chế biến. Nào là nước mắm nhỉ, mỡ gà, rượu ngoại các loại, thuốc bắc đi cùng các loại thảo mộc, bơ, sữa…có nhiều loại phải nhập giá rất cao bằng ngoại tệ và không phải nước mắm nào cũng có thể pha vào được, các loại bơ mỡ cũng thế. Khi đem rang thành vị riêng của từng quán, đó là bí quyết không hề đơn giản. Và đến nay, không ai đem quảng bá bí quyết của mình cho người khác. Bí quyết vẫn là bí mật khi có sự cạnh tranh xảy ra, và có lẽ cộng thêm một thành tố nữa chắc chắn là nguồn nước địa chất ở Tuy Hòa mà không nơi nào có được. Dân ghiền cà phê thứ thiệt từ mọi miền đất nước, có dừng chân tại Tuy Hòa đều nhận ra điều này, phải công nhận cà phê Tuy Hòa thuộc loại uống thượng hảo hạng ngon nhất nước, bởi hương thơm, vị đậm đà không lẫn vào đâu được, đây đúng là thương hiệu cà phê Tuy Hòa. Cách uống cà phê Tuy Hòa cần có một phong thái, dù bạn ngồi uống ở vỉa hè quán cóc hay nơi sang trọng thì cũng phải: nhâm nhi, cần có thời gian ngồi đợi cà phê nhỏ giọt và nhấp nháp từ từ từng ngụm, để thưởng thức tận hưởng cảm giác thư giãn, thú vị khi ngồi bên những người bạn thân để tán gẫu hoặc bàn công việc làm ăn, và như thế bạn đã hòa nhập vào cuộc sống của dân Tuy Hòa rồi đấy.
Cà phê Tuy Hòa sau năm 1975 là giai đoạn bị tác động sâu sắc thời kì bao cấp toàn diện, rõ nét nhất là chế độ tem phiếu thời ấy, hàng loạt cửa hàng dịch vụ ăn uống của công ty thương nghiệp và Hợp tác xã ra đời và phục vụ theo lối “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi ”. Ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng (nay là trụ sở bảo hiểm) là khu trung tâm giải khát, những ai sống vào thời gian này tại phố thị Tuy Hòa đều nhớ rõ, khu nhà của Hội đồng xã Châu Thành chế độ trước được cải tạo sữa chữa sơ sài là nơi tập trung cho những ai ghiền cà phê tới đây, uống và thưởng thức cà phê theo phong cách thời bao cấp: Đầu tiên bạn phải mua tích kê (phiếu) và đưa tới một ô cửa nhỏ, mậu dịch viên sẽ đưa ra một ly cà phê pha sẵn đã bỏ một ít đường cát màu vàng và vài điếu thuốc hiệu: Sa pa, Điện Biên, Lao Động hoặc Mai không có đầu lọc, rồi mạnh ai nấy uống vội vàng, bởi không có chỗ để ngồi nhâm nhi, và xung quanh còn rất nhiều người chen lấn xô đẩy nhau để mua được tích kê.
Trong thời gian này các quán Vị Thủy đường Trần Hưng Đạo, quán Mây Tím, Khơi Nguồn (khu rạp Đại Nam) đã mở cửa trở lại sau thời gian cải tạo công thương nghiệp diễn ra trên toàn quốc, và tập trung thực hiện kế hoạch năm năm của nhà nước với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất” cho nên uống cà phê là một xa xỉ phẩm mất thời giờ, nên các quán mở buôn bán một cách lén lút. Thời gian này quán Thạch Thảo đường Trần Hưng Đạo cửa chính được đóng im ỉm, khách phải đi vòng cửa bên cạnh để vào uống cà phê và các quán Phượng, Mây Tím, Khơi Nguồn, Vị Thủy cũng chung tình trạng như thế. Sau năm 1981 không khí có vẻ thông thoáng hơn nên một số quán mới xuất hiện như Tân Lai, Thủy, Quán 301, Quán 307 trên đường Trần Hưng Đạo, trong thời gian này manh nha xuất hiện quán Tùng qua bao thăng trầm cho đến ngày nay.
Quán Tùng ngày xưa được khai mở trong những năm bao cấp, lúc ấy mở ra dưới dạng Hợp tác xã ăn uống giải khát phường 5 tại 229 Lê Lợi một vài năm, sau chuyển thuê lên phường 2 góc đường Phan Đình Phùng nay là trụ sở UBND phường 2 bây giờ cho đến gần tách tỉnh Phú Yên Khánh Hòa thì trở về đường Nguyễn Trãi phát triển cho đến ngày nay. Thoạt đầu dân uống cà phê gọi là quán “Tiến râu” người ta gọi theo tên ông chủ la anh Trương Văn Tiến, cho đến khi cây Tùng trước cửa quán theo năm tháng lớn lên, có lẽ chủ quán không muốn thiên hạ gọi tên tục của mình nữa nên “cà phê Tùng” giờ đây trở nên một thương hiệu lớn vào hàng đẳng cấp của cà phê Tuy Hòa và phát triển thành một hệ thống quán khang trang bài bản hiện nay. Cũng chính quán Tùng này trong thập niên 90 Đặng Lê Nguyên Vũ nhân vật đình đám nhất trong làng cà phê nước ta và Đông Nam Á, chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn cà phê Trung Nguyên…Chỉ trong vòng hơn 10 năm, từ một cửa hàng cà phê rộng không đến 10m2 ở Ban Mê Thuộc với số vốn ban đầu là 2,5 triệu đồng. Vậy mà đến nay đã có số lượng tài sản lên đến hàng trăm triệu Đô la… Con người này cũng đã một lần học nghề rang cà phê Tuy Hòa tại quán “cà phê Tùng”.
Với đà phát triển của đất nước, du khách đến Tuy Hòa hôm nay sẽ thấy hệ thống đường xá Tuy Hòa rộng và đẹp hơn hẳn, cây xanh tăng đáng kể, các khu đô thị mới và nhiều con đường được mở ra. Song song với việc dân số tăng nhanh, Thành phố Tuy Hòa hôm nay đổi mới về mọi mặt, trong đó quán xá mọc lên như nấm, bề thế hơn, khang trang lịch sự hơn. Hiện nay Tuy Hòa có hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ như quán: Mái Ngói, Cát Tường, Đồng xanh, Vị Uyên, Suối Nguồn, Tyna, Phú Anh, Thạch Lâm, Như Quỳnh, Quán Nào, Tuy Líp, SôngTrăng, Tí Tách, T99,Hồ Thuỷ, Không Tên, Sonat, Pha lê…và hình thành cả một con đường cà phê quán cóc đường Lê Trung Kiên bán buổi sáng nhộn nhịp. Nhưng quán cà phê ngày nay ăn đứt ngày xưa, không những về chất lượng pha chế mà còn nhiều mọi mặt. Những quán sang trọng ra đời với không gian thoáng mát, với cây kiểng, với hòn non bộ, với bàn ghế sang trọng trang nhã, sạch sẽ với đội tiếp viên trẻ trung xinh đẹp lịch sự như quán Tùng, High Tech,cà phê Nhạc Xưa Thuận Thảo, Không Tên…đã thu hút được nhiều thực khách dù giá cà phê có cao gấp đôi so với quán bình dân.
Ngày nay quán cà phê đã trở thành một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Người ta đầu tư tiền tỉ vào xây dựng và trang trí nội thất rât đẹp. Làm thế nào để ngày càng có nhiều quán cà phê mang phong cách đặc trưng của cà phê Tuy Hòa, dĩ nhiên là không phân biệt xưa nay ở mọi khía cạnh. Bởi các quán lớn ở Tuy Hòa đã khác trước rất nhiều phát triển để tồn tại, ngoài không gian đẹp, đội ngũ tiếp viên chuyên nghiệp, và quản lý quán hiện nay thường không phải người chủ trực tiếp. Làm thế nào ngày càng có nhiều cà phê sang trọng, lịch sự tạo ra một kiểu cà phê Tuy Hòa. Chính các quán cà phê này đang âm thầm góp phần tô điểm cho bộ mặt Thành phố Tuy Hòa thêm đẹp.
Trên muôn dặm đường đời, chúng ta từng nhấm nháp bao nhiêu loại cà phê ở khắp vùng miền của đất nước. Nhưng chắc chắn một điều, nếu bạn có dịp uống cà phê tại Tuy Hòa dẫu chỉ một lần thôi bạn sẽ có một ấn tượng khó phai, vì đó là hương vị rất riêng của Tuy Hòa. Để kết thúc bài này xin mượn ý của nhạc sĩ Ngọc Quang trong bài hát Yêu lắm quê mình: “Có khoảng trời nào xanh hơn đồng lúa, có quê hương nàođẹp tựa Phú Yên. Hỡi ai ra Bắc vào Nam dừng chân ghé lại mà thăm quê mình”. Thăm quê mình! Thăm Tuy Hòa và nhâm nhi cà phê Tuy Hòa bạn nhé!
Họa sĩ Chấn Hưng
Theo: http://lienhiephoiphuyen.com.vn/ban-tin-tri-thuc/nghien-cuu-trao-doi/1191-CÀ-PHE-TUY-HOÀ:-Xua-và-Nay.html